Đường đời Phật Hoàng

10 bức tượng điêu khắc tái hiện 10 dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của Phật hoàng Trần Nhân Tông, từ khi sinh ra, trưởng thành, trị vì đất nước đến khi tu tập và hóa Phật.
Vua Trần Nhân Tông (chữ Hán: 陳仁宗, 7 tháng 12 năm 1258 – 16 tháng 12 năm 1308) tên khai sinh là Trần Khâm (陳昑), tự là Thanh Phúc, là vị hoàng đế thứ ba của nhà Trần nước Đại Việt. Ông trị vì từ ngày 8 tháng 11 năm 1278 đến ngày 16 tháng 4 năm 1293, sau đó làm Thái thượng hoàng cho đến khi qua đời.
 
Trần Nhân Tông được sử Việt đánh giá là một vị Hoàng đế anh minh, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của Đại Việt cuối thế kỷ XIII, cũng như việc bảo vệ nền độc lập và mở rộng lãnh thổ đất nước. Ngoài ra, Trần Nhân Tông cũng là một thiền sư lớn của Phật giáo Việt Nam thời trung đại. Ông là 1 trong 14 vị anh hùng dân tộc Việt Nam.
 
Là con trai trưởng của Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đã được truyền ngôi vào tháng 11 năm 1278 – lúc ông chưa đầy 20 tuổi. Do nguy cơ trước sự lăm le của Nguyên Mông, sau khi lên ngôi Trần Nhân Tông đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao sức mạnh kinh tế và ổn định chính trị – xã hội của Đại Việt, đồng thời xây dựng quan hệ tích cực với nước láng giềng phía nam là Chiêm Thành.
 
Năm 1285, hoàng đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt đã huy động một lực lượng lớn (theo Đại Việt sử ký toàn thư là 50 vạn người) tấn công Đại Việt. Quân dân Đại Việt ban đầu gặp nhiều tổn thất; nhưng dưới sự chỉ huy của vua Nhân Tông, thượng hoàng Trần Thánh Tông và Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo, người Việt đã dần dần xoay chuyển tình thế và đánh bật quân Nguyên ra khỏi đất nước. Sau đó, 2 vua Trần và Hưng Đạo vương tiếp tục lãnh đạo dân Việt đánh bại một cuộc xâm lược khác của Mông – Nguyên vào năm 1287.
 
Sau khi đẩy lùi các cuộc xâm lược của người Mông Cổ, Trần Nhân Tông đã khôi phục sự hưng thịnh của Đại Việt đồng thời thực thi phương sách ngoại giao vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn với nhà Nguyên. Năm 1293, ông truyền ngôi cho Thái tử Trần Thuyên (tức vua Trần Anh Tông) và lên làm Thái thượng hoàng.
 
Sau đó Nhân Tông xuất gia tu hành theo đạo Phật và lấy hiệu Trúc Lâm Đại Sĩ (竹林大士); nhưng ông vẫn tham gia điều hành chính sự, đánh dẹp quân Ai Lao xâm phạm biên giới và mở rộng. Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng chính là vị tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền Phật giáo mang bản sắc văn hóa Việt Nam và tinh thần nhập thế.

Phật Hoàng Trần Nhân Tông còn được xem là một nhà thơ, nhà văn hóa tiêu biểu của Đại Việt thời trung đại. Tác phẩm của ông bao gồm:

  • Thiền lâm thiết chủy ngữ lục (Ngữ lục về trùng độc thiết chủy trong rừng Thiền).
  • Tăng già toái sự (Chuyện vụn vặt của sư tăng).
  • Thạch thất mỵ ngữ (Lời nói mê trong nhà đá), được vua Trần Anh Tông cho chép vào Đại Tạng kinh để lưu hành.
  • Đại hương hải ấn thi tập (Tập thơ ấn chứng của biển lớn nước thơm).
  • Trần Nhân Tông thi tập (Tập thơ Trần Nhân Tông).
  • Trung Hưng thực lục (2 quyển): chép việc bình quân Nguyên xâm lược.

Một số bài thơ nổi tiếng của ông là Cư trần lạc đạo phú, Thiên Trường Phủ, Thiên Trường vãn vọng, Xuân Đình…

Cu tran lac dao phu

Bộ mộc bản “Cư trần lạc đạo phú” là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Phật hoàng Trần Nhân Tông được khắc trong bộ kinh Thiền Tông bản hạnh, thể hiện rõ tư tưởng và giá trị của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử./.

(Nguồn: wikipedia, baobacgiang)
 

CÔNG TY CỔ PHẦN DỊCH VỤ TÂY YÊN TỬ

Địa chỉ trụ sở: Tổ dân phố Mậu, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang

Đăng ký kinh doanh số 2400739046 do Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang cấp lần đầu ngày 07/07/2014, thay đổi lần thứ 10 ngày 07/07/2022

@ Copyright 2023. Website by Tây Yên Tử

Ảnh

Ảnh

Ảnh